Sáng nay, ngày 9/1/2025, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã tổ chức Tọ̣a đàm “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về doanh nghiệp dân tộc tại Việt Nam”. Sự kiện nhằm tăng cường đối thoại, khỏi thông nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp dân tộc trong bối cảnh mới.
Tham dự và chủ trì tọ̣a đàm là TS. Nguyễn Thanh Tịnh, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Đồng chủ trì có TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế; và Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế. Bên cạnh đó, tọ̣a đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, luật pháp, và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh: “Thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo này, Bộ Tư pháp đã tích cực rà soát, nghiên cứu, đề xuất các nội dung liên quan. Trong đó vấn đề về khuyến khích đổi mới, sáng tạo, huy động, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.”
Thứ trưởng cũng chia sẻ về chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’. Việc xây dựng pháp luật phải phản ánh hơi thở thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn và thể chế hóa kịp thời những chủ trương mới của Đảng.”
Tại tọa đàm, Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận sâu về khái niệm, mô hình doanh nghiệp; tiêu chí xác định doanh nghiệp dân tộc Việt Nam và những đặc điểm riêng có so với doanh nghiệp dân tộc khác trên thế giới. Đồng thời, ông đề nghị các ý kiến về cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quốc gia.
Tham dự hội nghị lần này, trong bài phát biểu bà Ngô Thị Tính – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh – đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình gìn giữ, hồi sinh và phát triển sản phẩm truyền thống của gia đình: “Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt từ thời Pháp thuộc, nhưng chiến tranh khiến nghề gián đoạn. Sau đó, tôi quyết tâm khôi phục và phát triển nhiều mặt hàng trên nền tảng truyền thống.”
Bà cho biết, các sản phẩm bánh mứt kẹo của Bảo Minh đã xuất hiện tại Hà Nội từ thời Pháp thuộc, do ông bà bà sáng lập, nhưng bị gián đoạn vì chiến tranh. Sau này, bà đã khôi phục và đầu tư phát triển trên nền tảng truyền thống. Nhờ vào quyết tâm đổi mới công nghệ và quy mô sản xuất, các sản phẩm Bảo Minh đã trở thành niềm tự hào của người Việt, đồng thời vươn xa đến nhiều thị trường quốc tế.
“Tháng 12 vừa qua, sản phẩm bánh cốm Bảo Minh đã chính thức có mặt tại thị trường Bắc Mỹ, đánh dấu cột mốc đáng tự hào cho bánh kẹo truyền thống Việt Nam,” bà chia sẻ. “Chúng tôi đã bứt ra khỏi làng nghề, dám đầu tư, dám thay đổi công nghệ để “vươn ra biển lớn”. Trước sự cạnh tranh và thách thức, chúng tôi đã thay đổi đáng kể cả về quy mô, công nghệ, lẫn quản trị, giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với sản phẩm ngoại.”
Bà Ngô Thị Tính cũng nhấn mạnh những khó khăn khi doanh nghiệp truyền thống phải tiếp cận công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Bà bày tỏ mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, nhất là trong việc đổi mới thể chế nhằm tăng tính cạnh tranh và đột phá của doanh nghiệp truyền thống Việt Nam.
Sự hiện diện của Bánh kẹo Bảo Minh tại Tọ̣a đàm không chỉ là cơ hội thể hiện vai trò đầu tàu trong việc bảo tồn giá trị truyền thống, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ tiềm lực và khát vọng vươn xa của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.