Tết Hàn Thực hay có tên gọi khác là Tết bánh trôi bánh chay, diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Năm nay, Tết hàn thực nhằm ngày 11/04 dương lịch. “Hàn Thực” hiểu nôm na là “thức ăn lạnh”. Tết Hàn Thực có tại một số tỉnh của Trung Quốc, một số tỉnh thành miền Bắc Việt Nam. và một bộ phận người gốc Hoa sinh sống khắp thế giới. Vào ngày này, các gia đình thường sử dụng bột, đỗ xanh, làm ra món bánh trôi bánh chay hoặc bánh trôi, nấu xôi chè nước để lễ Phật và cúng gia tiên.
Tết hàn thực gắn liền với điển tích Trung Quốc
Tết Hàn Thực ngày 3 tháng 3 âm lịch gắn tiểu thuyết Đông Chu liệt Quốc. Theo điển tích, vào Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong. Sau này gặp được một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi phò tá. Mãi về sau, Tấn Văn Công trở về làm vua, phong thưởng cho những người có công nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi.
Tuy vậy, Giới Tử Thôi không oán giận gì, về nhà đưa mẹ vào núi ở ẩn. Tấn Văn Công nhớ ra, cho người đi tìm. Vì Giới Tử Thôi không chịu ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra; cuối cùng, hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.
Tục lệ ở Việt Nam
Tục ăn bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết Hàn Thực
Ở Việt Nam hiện nay, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để thế cho đồ lạnh, nhưng chỉ cúng gia tiên, và có ít liên hệ đến Giới Tử Thôi và những kiêng kỵ khác. Vào ngày này, người Việt thường “làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên”, cho nên bánh trôi còn được gọi là bánh Hàn thực.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam nhiều khả năng được du nhập vào thời Lê, thịnh hành vào giai đoạn Lê Trung Hưng – Nguyễn. Năm 1773, Lê Quý Đôn cho biết: “Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn”. Theo giải thích của Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (viết vào khoảng thế kỷ 16 thời Lê) giải thích: “Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh”.
Theo quan niệm của người Việt, hình dáng của bánh trôi tròn đều, bên trong phần nhân đường phèn hình vuông, gợi lên câu tục ngữ “mẹ tròn con vuông”. Bánh chay vỏ trắng tính dương, phần nhân đậu xanh bên trong vàng tươi sáng mang tính âm, âm dương giao hòa. Dùng bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực thể hiện mong muốn mùa hè không còn oi bức, thời tiết thuận hòa.
Với người Việt, làm bánh trôi, bánh chay vào ngày Tết Hàn thực vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất, vừa là cách chiêu cầu may mắn cho bản thân và gia đình. Người có thời gian thì dậy từ sớm, chuẩn bị bột để làm bánh trôi, bánh chay và dâng cả hoa tươi, quả ngọt lên bàn thờ gia tiên.
Tục lệ ở một số dân tộc thiểu số Việt Nam
Một số dân tộc thiểu số có dân số lớn tại Việt Nam như đồng bào dân tộc Tày, Nùng… Thường sinh sống ở các tỉnh phía bắc, một phần di cư vào nam, Tây Nguyên vẫn giữ phong tục tảo mộ. Vào ngày mồng 3/3 Tết Hàn Thực cũng là một ngày lễ lớn của các dân tộc này. Họ gọi đó là Tết Thanh Minh hay Lễ Tảo Mộ.
Hàng năm cứ đến ngày 3/3 Âm lịch, đồng bào các dân tộc này, mỗi hộ gia đình sẽ chuẩn bị lễ (gồm xôi, gà hoặc thịt…) để mang đến các phần mộ người thân cúng và tưởng nhớ người đã mất. Ngày này là một ngày lễ quan trọng đối với họ. Dù đi làm ở nơi xa họ vẫn sẽ cố gắng đến thăm phần mộ người thân. Cúng bái và dọn dẹp phần mộ sạch sẽ.
Tranh cãi về nguồn gốc của ngày Tết Hàn Thực
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ánh Hồng cho biết ngày tết này ở Việt Nam thực ra bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc nhưng đã được Việt hóa nên được lưu truyền cho đến ngày nay.
Tên gọi của Tết Hàn thực nghe có vẻ bắt chước từ Trung Quốc nhưng không phải, mà khi vào Việt Nam, nó đã hợp nhất với tết bánh trôi, bánh chay, tết tháng 3 của người Việt. Bản thân ngày tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt. Chính điều này đã tạo nên sức sống lâu bền của ngày tết bánh trôi, bánh chay. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc – thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.
Kết
Tết Hàn thực tại Việt Nam là dịp quan trọng, mang ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ tổ tiên. Thế nên vào ngày này, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng để lễ Phật, cúng gia tiên, làm bánh trôi, bánh chay cúng ông bà, tổ tiên và kiêng không đốt lửa. Ở nhiều nơi, người dân cũng làm bánh trôi, bánh chay cúng thần hoàng. Những món ăn được nấu trong dịp này làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu một lòng hướng về tổ tiên, nguồn cội. Tục làm bánh trôi, bánh chay từ xa xưa, như tấm lòng hiếu kính thơm thảo của người đời sau nhớ về cội nguồn. Ấy là tục đẹp sẽ còn mãi với thời gian…
Nguồn sưu tầm