Bánh tét – Hương vị ngày Tết cổ truyền

Nếu như ở miền Bắc nổi tiếng với bánh chưng xanh thì ở đất phương Nam lại nức tiếng với hương vị dân dã, mộc mạc của bánh tét. Vào những ngày Tết đến ở vùng đất Nam bộ, khi gió xuân se se lạnh, được ngồi quây quần bên gia đình, thưởng thức một miếng bánh tét thì còn gì tuyệt bằng. 

 

Bánh tét 

Không ai biết chính xác từ bao giờ mà những chiếc bánh tét luôn xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết của người dân Nam Bộ. Nếu như ở miền Bắc, trong ngày Tết có bánh chưng xanh gắn liền với sự tích nổi tiếng “bánh chưng bánh dày” của người con thứ 18 của Vua Hùng là Lang Liêu. Bánh chưng bánh dày với ý nghĩa tượng trưng cho trời tròn, đất vuông thì bánh tét cũng có ý nghĩa đặc biệt riêng của nó, với những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc.

 

Xem thêm: Bánh chưng biểu tượng văn hoá trong ngày tết cổ truyền Việt

 

banh-tet-huong-vi-ngay-tet-co-truyen
Bánh tét – Hương vị ngày Tết cổ truyền

 

Bánh với hình trụ dài, được gói bằng lá chuối, lớp vỏ ngoài bánh sẽ được làm từ gạo nếp ngon. Bánh tét truyền thống có hai loại nhân là mặn và ngọt. Với bánh nhân ngọt, người làm sẽ chỉ cho đỗ xanh và chuối. Còn nếu là bánh nhân mặn thì phần nhân sẽ gồm có đậu xanh và thịt mỡ heo.

Bánh tét cũng gần giống với bánh chưng nhưng được gói bằng lá chuối tạo thành hình trụ dài và được cố định bằng dây lạt tre. Khi ăn, ta sẽ dùng những chiếc lạt đó để cắt bánh thành những miếng nhỏ vừa ăn. 

Theo phong tục ngày Tết, nồi bánh tét sẽ được nấu vào đêm 30 – Đêm giao thừa. Cả nhà cùng nhau thức chờ quanh nồi bánh tét tạo nên không khí đầy ấm cúng, sung túc của buổi sum họp ngày Tết.

Tết đến, người Nam Bộ sẽ gói hai loại bánh tét là bánh tét mặn và bánh tét chay. Bánh tét chay để cúng ông bà, tổ tiên, trời đất, còn bánh tét mặn sẽ được dùng trong bữa ăn và ăn kèm với củ kiệu, dưa chua hoặc thịt kho tàu.

 

banh-tet-huong-vi-ngay-tet-co-truyen
Bánh tét mặn sẽ được ăn kèm với củ kiệu hoặc dưa chua

 

Nguồn gốc bánh tét ngày Tết

Một vài chuyên gia nghiên cứu về văn hóa nói rằng, rất có thể, bánh Tét mà người dân trong Nam sử dụng trong ngày Tết hiện nay là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa Việt Chăm xưa hay cũng có thể là sự kế thừa lại những giá trị của lớp tiền nhân đi trước. Khi người dân Việt bắt đầu khai hoang, mở rộng vùng đất vào phương Nam, nhờ sự tiếp thu những tín ngưỡng của nền văn hóa Chăm, trong đó có tín ngưỡng thờ thần lúa nên người dân Việt sau này đã tạo nên chiếc bánh tét như ngày nay.

Bên cạnh nguồn gốc ra đời của bánh tét như đã nói ở trên thì ông bà xưa còn truyền tai nhau lại những giai thoại lý giải cho việc hình thành những chiếc bánh tét là câu chuyện lúc bấy giờ vua Quang Trung khi đánh quân Thanh vào dịp Tết, vua cho quân lính nghỉ ngơi.

 

banh-tet-huong-vi-ngay-tet-co-truyen
Bánh tét được xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam

 

Có một quân lính đã đem dâng lên vua một loại bánh được gói bằng lá chuối tạo thành hình trụ, khi ăn vua khen ngon và hỏi đây là loại bánh gì. Người lính trả lời rằng đây là loại bánh mà người vợ ở quê nhà thường gói cho để đem theo ăn bên đường. Mỗi lần ăn, anh lính lại nhớ đến vợ và nhớ đến quê nhà.

Nghe thấy vậy, vua Quang Trung cảm động và ra lệnh cho mọi người học cách gói loại bánh này ăn vào dịp Tết đến rồi đặt cho nó cái tên là bánh Tết. Từ đó bánh Tết được xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

 

Tại sao lại có tên gọi là bánh tét?

Như trên đã được nhắc đến ở trên, bánh tét còn được gọi với cái tên là bánh Tết. Về sau vì tính chất vùng miền, bánh Tết đã được đọc trại thành “bánh tét”.

Hay cũng có thể lý giải cho rằng, tét là hành động cắt bánh. Mỗi khi ăn loại bánh này, người ăn sẽ dùng dây và khoanh tròn đầu bánh đã lột rồi “tét” ra thành từng khoanh nhỏ vừa ăn. Vì vậy, người địa phương đã gọi loại bánh này là bánh tét giống với hành động cắt bánh vậy.

 

Ý nghĩa bánh tét trong những ngày Tết

Theo quan niệm của cha ông ta ngày xưa, những loại bánh kẹo, thức ăn được sử dụng trong ngày Tết tất cả sẽ đều có ý nghĩa tưởng nhớ người xưa, cầu chúc cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc sum vầy của gia đình, tạ ơn trời đất đã cho người dân một mùa màng thuận lợi và bánh tét cũng không ngoại lệ.

 

Xem thêm: Bánh cốm Bảo Minh – Bánh cốm Hàng Than

 

Chiếc bánh tét truyền thống được bọc bằng nhiều lớp lá chuối bên ngoài tượng trưng cho hình ảnh người mẹ bọc lấy con. Mang mong muốn cho sự sum vầy, đoàn tụ của người Việt vào những ngày Tết đến. Không chỉ có vậy, bánh tét xanh với phần nhân đậu màu vàng nhuyễn mịn như gợi cho ta hình ảnh màu xanh của đồng quê Việt Nam, gợi cho ta một niềm mong ước “an cư lạc nghiệp” cho một mùa xuân an bình đến mọi nhà.

Có lẽ, vì mang nhiều ý nghĩa như vậy nên theo phong tục Việt vào những ngày cuối năm, cứ vào tối 29, 30 Tết là cả gia đình sẽ cùng nhau thức khuya chờ quanh nồi bánh tét. Trẻ thì chơi đùa, chạy nhảy hay phụ ông bà chụm bếp lò, nhóm lửa, người lớn thì thi nhau gói những chiếc bánh thật đẹp, thật khéo. Tất cả tạo nên một không khí thật ấm cúng, sung túc của những ngày Tết đến xuân về.

 

Cách làm bánh tét

Nguyên liệu chuẩn bị

  • Gạo nếp cái hoa vàng: 400g 
  • Đậu xanh đã đãi sạch vỏ: 200g 
  • Thịt ba chỉ: 100g 
  • Lạt tre: 1 bó
  • Lá chuối: 1 bó
  • Gia vị: Tiêu xay, hạt nêm, muối.

Các bước thực hiện

Bước 1: Xử lý gạo nếp

Với phần gạo nếp để làm vỏ bánh, bạn có thể chọn gạo nếp cái hoa vàng. Mang gạo đi đãi cho sạch rồi ngâm với nước trong khoảng 8 tiếng.

Sau khi ngâm đủ thời gian thì vớt hết gạo ra rổ và đợi cho ráo nước. Sau đó, thêm 4g muối vào gạo nếp rồi trộn cho thật đều để muối tan ra và thấm đều. 

 

banh-tet-huong-vi-ngay-tet-co-truyen
Mang gạo đi đãi cho sạch rồi ngâm với nước trong khoảng 8 tiếng

 

Bước 2: Xử lý đậu xanh

Phần đậu xanh đem đãi sạch và loại bỏ hết phần vỏ. Sau đó ngâm đậu xanh trong nước khoảng 4 tiếng cho đậu nở mềm. 

Khi ngâm xong, vớt đậu ra rổ và đợi cho ráo bớt nước. Tiếp đó, thêm 4g muối vào phần đậu rồi trộn thật đều. 

Bước 3: Xử lý lá chuối và lạt tre

Lạt tre bạn nên chọn loạt còn tươi, sau đó đem ngâm vào trong nước trong khoảng 8 tiếng cho lạt mềm ra. 

Sau đó, xé lạt thành những sợi dài với chiều ngang khoảng 0,5cm để gói bánh.

Về phần lá chuối, bạn đem rửa thật sạch. Sau đó, tước bỏ phần sống lưng của lá để lá không bị cứng và dễ gói hơn. Tiếp theo, chia lá thành những miếng có độ dài khoảng 60cm. Trong quá trình xử lý lá, bạn nên cẩn thận, nhẹ tay để phần lá chuối không bị rách nhé. 

Bạn cũng có thể đem lá chuối đi chần sơ để lá được mềm hơn bằng cách nhúng lá chuối qua nước đang đun sôi. 

Bước 4: Xử lý phần thịt ba chỉ

Thịt ba chỉ bạn đem rửa sạch, đợi cho ráo nước thì cắt thành từng miếng dài. 

Sau đó, đem thịt ướp cùng với hạt nêm và hạt tiêu trong khoảng 30 phút để cho thịt được ngấm gia vị. 

 

banh-tet-huong-vi-ngay-tet-co-truyen
Thịt ba chỉ bạn đem rửa sạch đợi cho ráo nước thì cắt thành từng miếng dài

 

Bước 5: Tiến hành gói bánh

Đầu tiên, trải lá chuối ra cho phẳng. Đặt 2 miếng lá cạnh nhau rồi xếp thêm 1 miếng lá chuối nữa vào giữa. 

Cho 200g gạo nếp đã chuẩn bị vào giữa phần lá chuối, dùng tay dàn gạo ra cho mỏng. Tiếp theo, bạn cho thêm 100g nhân đậu xanh lên trên. Phần nhân này phải được nằm gọn trong lớp gạo nếp trắng.

Tiếp theo, thêm thịt ba chỉ vào giữa nhân đậu xanh của bánh. Sau đó, lại tiếp tục thêm một lớp đậu xanh và gạo nếp lên trên để bao phủ kín phần thịt.

 

banh-tet-huong-vi-ngay-tet-co-truyen
Có thể trần qua lá chuối trước khi gói bánh

 

Khéo léo gói lớp lá chuối ở giữa vào để cố định phần bánh. Tiếp tục cẩn thận dùng 2 lớp lá chuối bên ngoài cuộn chặt lại với nhau để tạo thành hình chiếc bánh tét hoàn chỉnh. Lưu ý, khi thực hiện thao tác cuộn lá, gấp mép lá bạn cần dùng tay và giữ cho bánh thật chắc nhé. 

Cuối dùng, dùng lạt tre đã chuẩn bị để buộc cố định chiếc bánh theo chiều dọc và chiều ngang. 

Bước 6: Luộc bánh

Lần lượt xếp đều bánh tét vào nồi lớn rồi thêm nước vào nồi cho ngập mặt bánh. Nấu bánh trong khoảng 8 tiếng để bánh chín mềm từ ngoài vào trong. 

Khi bánh chín, bạn vớt bánh ra và để cho ráo nước là đã có thể thưởng thức.

 

banh-tet-huong-vi-ngay-tet-co-truyen
Bánh tét sau khi để ráo nước là đã có thể thưởng thức

 

Tìm về hương vị truyền thống Việt cùng Bảo Minh

Việt Nam không chỉ nổi tiếng với bánh tét mà còn được biết đến với nhiều loại bánh truyền thống khác. Ẩm thực truyền thống Việt Nam không chỉ có vai trò quan trọng trong văn hóa mà còn là một di sản quý báu, cần được lưu giữ và truyền bá qua nhiều thế hệ.

Thương hiệu Bảo Minh – Một thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam nổi bật trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh những mặt hàng bánh mứt kẹo truyền thống. Bảo Minh luôn tự hào mang đến cho tất cả người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao với hương vị đậm đà quê hương.

Với tầm nhìn lâu dài và không ngừng phát triển, thương hiệu Bảo Minh vẫn luôn tiếp tục gắn bó với hương vị truyền thống Việt và trở thành một trong những thương hiệu được ưa chuộng và tin dùng nhất trong lĩnh vực thực phẩm tại Việt Nam.

Không chỉ nổi tiếng với những dòng sản phẩm bánh kẹo truyền thống như bánh pía, bánh cốm, bánh chả, chè lam… Bảo Minh còn được biết tới với những dòng bánh kẹo mới hiện đại như bánh Sandochi, bánh Misa, bánh bông nhài, bánh Gochiz… 

Liên hệ ngay: 0936 445 616 để mua được những sản phẩm tại Bảo Minh nhé!