Nghệ nhân Ngô Thị Tính – Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh: Và nỗ lực đưa ẩm thực Việt ra thế giới

Duyên nghề…

Người mà tôi muốn nói tới là chị Ngô Thị Tính – Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh. Nghe chị chia sẻ rất nhiều lần tại các hội nghị, diễn đàn dành cho giới doanh nghiệp, doanh nhân, nhưng khi tiếp xúc, tôi mới thực sự cảm nhận chị yêu và đam mê với công việc của mình như thế nào.

anh 1 jbea

Chị Ngô Thị Tính bên gian hàng triển lãm của mình.

Theo nữ doanh nhân chia sẻ: Nghề làm bánh là truyền thống của gia đình chị. Hồi chị còn rất nhỏ, ông bà ngoại chị đã làm bánh và bán trên địa bàn Hà Nội (chủ yếu là bánh nướng, bánh dẻo và bánh cốm). Khi đến nhà dì chơi, chị được bà dạy cho cách làm bánh, dần dà chị đam mê với công việc này lúc nào chẳng hay. Hễ rảnh rỗi chị lại làm bánh cho gia đình ăn, rồi mang đi biếu bạn bè, đồng nghiệp. Thấy mọi người khen ngon chị nảy ra ý định kinh doanh bánh… 

Thời mở cửa kinh tế (năm 1986 – 1987) cũng là lúc công việc kinh doanh của chị phát triển. Các sản phẩm bánh truyền thống của gia đình chị Tính được đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận biết tới. Có được điều đó, bên cạnh bí quyết gia truyền, là nhờ cái tâm và niềm đam mê bất tận và nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ của bản thân chị. Và dấu ấn đầu tiên khiến mọi người nhớ đến chị chính là sự kiện cả phố Hàng Than phải tạm dừng kinh doanh vì một số cửa hàng bị phát hiện bán sản phẩm có dư lượng hàn the vượt ngưỡng cho phép. Không ai khác, chị Tính là người vựng dậy nghề sản xuất bánh xu xê của cả khu phố, khi tiên phong  “nói không” với hàn the…

Bảo lưu giá trị truyền thống!

Vì sức khỏe người tiêu dùng cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, Bảo Minh mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nguyên liệu doanh nghiệp sử dụng được truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Không chỉ “tẩy chay” hàn the, Bảo Minh còn thay thế hoàn toàn phẩm màu công nghiệp bằng tự nhiên. Và hơn hết, người đứng đầu doanh nghiệp luôn nghiền ngẫm, nghiên cứu, nâng cấp trang thiết bị với mục đích kéo dài thời gian sử dụng và tăng chất lượng của các sản phẩm.

anh 2 vama

Chị Ngô Thị Tính và chồng bên cặp bánh Trung thu kỷ lục Việt Nam.

Chị chia sẻ: “Có lẽ tôi sinh ra là để thực hiện sứ mệnh gìn giữ nghề truyền thống của gia đình. Nhưng truyền thống không có nghĩa là dừng lại, mà phải phát huy và hoàn thiện hơn giá trị, để sản xuất nhiều hơn, chất lượng đảm bảo hơn và mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp hơn!”. Từ suy nghĩ đó, chị Tính không ngại ngần đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng. Hiện, Bảo Minh đã sản xuất được hơn 100 mặt hàng và có mặt ở hầu hết hệ thống siêu thị, cửa hàng, đại lý trên toàn quốc. Nhưng mặt hàng chủ lực và cũng là thế mạnh, được nhiều người biết tới vẫn phải kể đến: Bánh Cốm; Bánh Phu thê; Bánh Trong; Bánh Chả; Bánh Trung thu (bánh nướng, bánh dẻo)… Ngoài cơ sở ở Hà Nội, Bảo Minh phát triển thêm nhà máy sản xuất trong TP. Hồ Chí Minh để phục vụ nhu cầu người dân trong Nam.

Trong những đứa con của mình, chị Tính vẫn dành tình cảm nhiều nhất cho bánh Cốm. Bởi đây là nghề của ông bà chị, hơn thế nữa nó còn là đặc sản của Hà Nội và của Việt Nam. Chị Tính cho biết: Giá trị và tinh hoa của bánh Cốm nằm ở hạt lúa còn ngậm nguyên cám. Sản phẩm chứa rất nhiều Vitamin bổ dưỡng và có lợi cho người tiêu dùng. Nhận thức được điều đó, dựa vào những kinh nghiệm và sự sáng tạo của mình, chị Tính đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, để khi đưa vào sản xuất, sản phẩm tự biến tính bằng hơi, bằng công nghệ và bằng thời gian sử dụng, nhưng vẫn giữ được sự dẻo dai và độ thơm ngọt của bánh nếp. Đây cũng chính là chất riêng, nét độc đáo của bánh Cốm Bảo Minh so với các hương hiệu khác. 

Một sản phẩm khác cũng vừa được Bảo Minh nghiên cứu tung ra thị trường và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng là bánh Trong, với rất nhiều vị: Tinh dầu gấc, lá gai, khoai môn, ngô, dứa… Không chỉ thơm ngon, bổ dưỡng, đảm bảo an toàn, các sản phẩm của Bảo Minh còn ngày càng hoàn thiện về mẫu mã, bao bì và đáp ứng đa dạng khách hàng. Bởi người đứng đầu thương hiệu luôn tâm niệm: “Giá trị cốt lõi của sản phẩm là chất lượng, ngoài ra phải đẹp đẽ, sang trọng, rồi phải khiến khách hàng bất ngờ khi mở ra… Lúc thưởng thức phải cảm thấy ngon, lưu vị và thực sự thích thú!”…

anh 3 teuk

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Bảo Minh.

Nỗ lực đưa ẩm thực Việt… ra thế giới

Những tháng ngày miệt mài nghiên cứu, sự mạnh dạn sáng tạo, đổi mới công nghệ và nỗ lực của Nghệ nhân Ngô Thị Tính đã được đền đáp xứng đáng khi lần lượt các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp kéo dài thêm “tuổi” dùng. Từ hạn sử dụng chỉ từ 3-4 ngày, đến nay bánh Cốm Bảo Minh đã tăng lên 12 ngày, bánh Xu xê 10 ngày… Gần đây nhất, Bảo Minh đã thành công khi áp dụng dây chuyền sản xuất giúp tăng hạn sử dụng của sản phẩm bánh Pía (đặc sản của Sóc Trăng) lên 2,5 tháng (trước chỉ 1 tuần). Dựa trên thế mạnh, kinh nghiệm và khảo sát nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, nữ doanh nhân đã sản xuất và xuất khẩu thành công sản phẩm này sang các nước: Trung Quốc, Úc, New Zealand… 

Chủ thương hiệu Bánh mứt kẹo Bảo Minh cũng tiết lộ, sau bánh Pía chị sẽ tiếp tục đưa bánh Cốm và một số sản phẩm khác đi xuất khẩu, với mong muốn “ghi dấu ấn Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới”. Để có được những thành công của ngày hôm nay, Nghệ nhân Ngô Thị Tính khẳng định: “Ngoài nỗ lực bản thân, còn có sự trợ giúp của các Hiệp hội (Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Hà Nội; Hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam…). Các Hiệp hội thực sự là mái nhà chung, giúp đỡ nhau, tạo điều kiện cho nhau, tiêu thụ sản phẩm của nhau, liên kết sản kết, cùng cộng hưởng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển!”./.