Tổng giám đốc Ngô Thị Tính – Vị thuyền trưởng gan dạ của con tàu mang tên Bảo Minh

 

Hành trình của những chiếc bánh truyền thống Việt 

Có thể nói, chị Tính bén duyên với nghề làm bánh kẹo truyền thống chính là bắt nguồn từ tình yêu với ẩm thực của ông bà ngoại từ thập niên 1950 của thế kỷ 20.

Năm 1986, Việt Nam bước vào thời kỳ mở cửa nền kinh tế thị trường, tự do phát triển kinh doanh. Vốn nhạy bén với thời cuộc, cùng đôi bàn tay khéo léo, kêt hợp vận dụng nghề làm bánh của ông bà, đến năm 1989 những mẻ bánh Xu Xê đầu tiên mang thương hiệu của chị Tính đã được ra đời. Bánh của chị làm ra đến đâu hết đến đấy, từ cơ quan chị đến cơ quan chồng, ai đã ăn bánh của chị sẽ chẳng còn muốn ăn ở bất kỳ nơi nào khác.

Bao mồ hôi công sức bỏ ra, được đáp lại bằng sự đón nhận nhiệt thành, chị Tính không giấu nổi niềm vui và tự hào. Càng làm chị càng nhận ra: lòng yêu nghề, yêu những sản phẩm do chính tay mình làm ra đã vượt khỏi suy nghĩ “làm để bán, để cải thiện cuộc sống gia đình”. Chị quyết tâm sẽ tiếp tục lưu giữ và phát huy nghề làm bánh truyền thống của ông bà để lại.

Với kinh nghiệm của mình, chị Tính hiểu rằng: nếu muốn sản phẩm của mình tiếp cận nhiều khách hàng hơn, yếu tố nâng cao chất lượng sẽ là ưu tiên hàng đầu, tiếp đó là thay đổi bao bì, mẫu mã, cốt làm sao để khách hàng “đã nhìn là muốn ăn, ăn rồi thì chắc chắn sẽ thích”.

Năm 2003 có thể nói là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong đời làm kinh doanh của chị. Chị chia sẻ: Ngày đó tôi chỉ có một ước mơ, đó là được nhìn thấy chiếc bánh cốm mang thương hiệu Bảo Minh có mặt tại thành phố mang tên Bác.

Mong ước của chị Tính vào thời điểm đó dường như là điều không thể, bởi bánh cốm thường chỉ có hạn sử dụng tối đa là 5 ngày, sau đó bánh sẽ bị mốc và cứng, chưa kể đến chuyện giao thông hạn chế cũng là một rào cản lớn. Như vậy nếu ai đó muốn mang bánh cốm từ Hà Nội vào Sài Gòn sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng với quyết tâm sắt đá: bánh cốm Bảo Minh phải có hạn sử dụng lâu nhất trong các dòng bánh cốm trên thị trường, cùng với sự giúp đỡ từ phía hội khoa học Việt Nam, những chiếc bánh cốm của chị đã tăng “tuổi đời” lên từ 5 ngày, 8 ngày rồi đến hơn 10 ngày. Cuối cùng, ước mơ đã không chỉ còn là ước mơ, nó đã được hiện thực hoá một cách “thần kỳ” và càng tuyệt vời hơn khi suốt 15 năm nay chưa có một đơn vị sản xuất bánh kẹo truyền thống nào làm được điều đó.

Tổng giám đốc Ngô Thị Tính - Vị thuyền trưởng gan dạ của con tàu mang tên Bảo Minh

Chiếc bánh cốm Bảo Minh là “điều thần kỳ” mà suốt 15 năm nay chưa có doanh nghiệp nào làm được 

Đến năm 2006, Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh chính thức được thành lập. “Vị thuyền trưởng gan dạ” Ngô Thị Tính lại tiếp tục sứ mệnh đầy ngọt ngào của mình, tiếp tục cuộc hành trình vượt đại dương muôn trùng gian khó của thương trường.

“Kho báu thành công” được đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt

Con đường đi đến thành công không được xây nên từ hoa hồng, mà nó được tạo ra từ chông chênh sỏi đá. Con đường của chị Tính cũng vậy, để có được Bảo Minh lớn mạnh của ngày hôm nay là sự đánh đổi của “mồ hôi, nước mắt đem hoà vào cơm” trong những thời kỳ ban đầu còn nhiều khó khăn.

Chưa một giây phút nào chị Tính quên cảnh mình cùng với các nhân công ngồi làm bánh, dán vỏ trong căn phòng mờ mịt khói nhang. Bởi khi đó chưa có máy dán vỏ nilon tiện dụng như bây giờ, chị phải lấy đầu đỏ của cây hương châm vào mép vỏ cho nóng chảy rồi nhanh tay dán lại cho kín miệng, mắt căng hết cỡ để cố nhìn cho rõ kẻo “châm vào tay”.

Thời điểm lễ Tết như dịp Trung thu hay Tết nguyên đán, lượng bánh đặt tăng lên có khi đến cả nghìn chiếc, chị và mọi người cặm cụi miệt mài thâu đêm, làm hết công suất để kịp gửi bánh cho khách, mắt ai cũng cay xè mùi khói, có khi làm cố, mệt đến ngủ gục trên bàn, rọi ánh đèn vàng nóng cả một bên tai.

Chị cũng chưa khi nào quên hình ảnh chiếc xe đạp của chị và cô cháu treo tòng teng hai túi bánh nặng đến “vẹo ghi đông”, xuất phát từ phố Châu Long đi giao bánh cho khách ở căng tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thời đó không có điện thoại, nên cứ đến giờ là đi, hết giờ làm lại chạy qua điểm giao bánh để hỏi xem hôm nay khách phản hồi gì, bánh bán có chạy không? Chị nói: Ngày ấy tuy vất vả nhưng hạnh phúc lắm, những khoảnh khắc như thế là tài sản quý giá nhất cuộc đời tôi.  

Hay những ngày chiếc bánh cốm đặc sản Hà Nội chưa thực sự được đón nhận trong thành phố Hồ Chí Minh, chỉ vì người dân “chưa quen” với hương vị đặc biệt của “hạt ngọc trời thu”. Mất bao công sức mới làm ra được một chiếc bánh vừa thơm ngon vừa đảm bảo chất lượng, nay nhìn chúng buồn bã nằm một góc, chị đau xót như đứt từng khúc ruột, nuốt nước mắt nghẹn đắng vào trong. Nhưng ý chí kiên cường không cho phép chị dừng lại, mà luôn thôi thúc chị phải đứng lên, quyết tâm tìm bằng được lối đi cho bánh cốm Bảo Minh nơi đất phương Nam.  

Cuối cùng, “kho báu thành công” cũng đến với chị sau những tháng ngày chiến đấu quả cảm trên “biển lớn”. Sản phẩm của Bả
o Minh đã được tất cả các hệ thống siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc kiểm định và phân phối, cùng sự đón nhận nhiệt thành của người tiêu dùng trên khắp 3 miền, tạo bước đà cho “cú bật xa” đầy ngoạn mục trên thị trường ẩm thực Việt.

p51tong giam doc ngo thi tinh vi thuyen truong gan da cua con tau bao minh 2

Thành công của Bảo Minh ngày hôm nay được đánh đổi bằng rất nhiều mồ hôi và nước mắt

Tổng giám đốc Ngô Thị Tính – Vị thuyền trưởng gan dạ của con tàu mang tên Bảo Minh

Những ai đã từng tiếp xúc với chị Tính đều có nhận định rằng: chị Tính có “đôi mắt biết nói”, hay cười, tính tình cởi mở. Nhưng, đằng sau vóc dáng nhỏ của người phụ nữ Việt ấy, là cả một ý chí thép, một tinh thần quyết liệt và máu lửa. Lăn lộn trên thương trường đã nhiều năm, khó khăn nào cũng đã từng trải, gian nan nào cũng đã đối mặt, nhưng chưa có bất cứ điều gì có thể khiến chị gục ngã.

Chị Tính luôn tự hào vì sản phẩm của Bảo Minh đều bắt nguồn từ nguyên liệu rất truyền thống, rất Việt Nam như: bột nếp, dừa, lạc, vừng, đậu xanh, khoai môn… qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ làm bánh chuyên nghiệp, kết hợp với công nghệ hiện đại đã cho ra thị trường rất nhiều những sản phẩm bánh kẹo đa dạng khác nhau như: Bánh Pía, bánh Phu Thê – Xu Xê, kẹo lạc, bánh khảo, bánh bông nhài…  Đổi mới về hình thức, bao bì, nhưng vẫn giữ lại trọn vẹn hương vị cổ truyền của dân tộc.

Bên cạnh hương vị, hình thức sản phẩm, chị cũng đặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Đối với chị, những sản phẩm của Bảo Minh một khi đã ra khỏi xưởng là phải sạch, sạch và rất sạch, để người tiêu dùng khi cầm chiếc bánh, chiếc kẹo có hai chữ “Bảo Minh” trên tay, là hoàn toàn có thể an tâm thưởng thức, mà không cần phải đắn đo thêm một giây nào nữa.

Không ngừng tìm tòi, học hỏi, không ngừng tự trau dồi, cập nhật, đổi mới công nghệ, đổi mới tư duy kinh doanh, đó là những yếu tố tiên quyết để nắm được thành công của chị Tính – “vị thuyền trưởng” của con tàu Bảo Minh, vẫn đã và đang tiếp tục lãnh đạo các thuyền viên ưu tú của mình “cưỡi sóng vượt ngàn khơi”, tạo nên một tập thể đoàn kết, trung thành với công việc mang sứ mệnh đầy tự hào “Trao cơ hội yêu thương qua vị ngọt truyền thống” đến mọi mái ấm gia đình Việt.

p51tong giam doc ngo thi tinh vi thuyen truong gan da cua con tau bao minh 3

Tổng giám đốc Ngô Thị Tính – Vị thuyền trưởng gan dạ của con tàu mang tên Bảo Minh

Biển lớn thương trường không khi nào phẳng lặng, thách thức cũng như những đợt sóng vỗ bờ, cứ nối tiếp trùng điệp không ngớt. Chúc cho “vị thuyền trưởng thép” của Bảo Minh luôn vững vàng trước bão giông, tiếp tục căng cánh buồm no gió, đưa con thuyền đầy ngọt ngào của mình đến những thành công mới. Cho hương vị của bánh mứt kẹo cổ truyền sẽ mãi là niềm tự hào của dân tộc với bạn bè trên khắp năm châu. 

Cảm ơn chị – Người gìn giữ tinh hoa ẩm thực Việt!