Xuất khẩu tắc nghẽn vì thiếu vỏ container

Cục Hàng hải Việt Nam gần đây đã yêu cầu các hãng tàu container phải minh bạch giá cước. Nguyên nhân là cơ quan này nhận nhiều phản ánh tình trạng các hãng tàu biển container tăng giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển container cao hoặc thiếu container rỗng để đóng hàng xuất khẩu, không có tàu chuyên chở.

Tháng 11, hầu hết hãng tàu thông báo tăng giá cước 2-10 lần tùy theo chặng. Trong đó, cước thuê container đi Anh tháng 10 là 1.420 USD một container 20 feet, đến tháng 11 tăng lên 5.420 USD và đạt mức 7.200 USD vào tháng 12. Cước thuê container từ Thái Lan về Việt Nam trước tháng 10 là 60 USD một container, sang đến tháng 11 đã tăng lên 600 USD. Hay cước thuê container từ Việt Nam đi Los Angeles (Mỹ) trước tháng 10 khoảng 700 – 1.000 USD một container, đến tháng 11 đã tăng lên 5.000 USD.

Giá dù liên tục bị đẩy lên cao, doanh nghiệp cũng không dễ dàng để thuê được vỏ container rỗng. Vấn đề này đang “chèn ép” dòng chảy thương mại khi xấp xỉ 60% hàng hoá trên toàn cầu được vận chuyển bằng container.

Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc hiện là quốc gia đang có động thái gom container từ các nước với giá cao do tình trạng thiếu container rỗng ở nước này diễn ra sớm hơn và nghiêm trọng hơn với giá cao. Xuất khẩu từ Trung Quốc đã tăng 21% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái khi “cỗ máy” sản xuất khổng lồ tăng tốc sau dịch bệnh. Điều này tạo sự khan hiếm chung về container cho các nước trong khu vực.

Trước những tình trạng này, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hãng tàu vận tải container tại Việt Nam thông tin giá niêm yết, phụ giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển theo Nghị định 146; không để xảy ra hiện tượng trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển.

Các hãng tàu cũng cần có biện pháp tăng lượng dự trữ, lưu chuyển container rỗng (loại 40 feet) nhằm giảm giá dịch vụ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao hiện nay. Cục Hàng hải cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra trực tiếp tại các hãng tàu và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tình trạng thiếu tàu biển và container có thể kéo dài đến tháng 2-3 năm sau, thậm chí có thể kéo dài hơn nếu Covid-19 chưa được kiểm soát.

Theo VnExpress.net