Ý nghĩa dịp Tết Nguyên Đán theo phong tục truyền thống

>>>> Đón năm mới ấm áp cùng gia đình yêu thương

>>>> Nguồn gốc và ý nghĩa của tục lì xì ngày Tết

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là một trong những nét văn hóa được du nhập vào Việt Nam do ảnh hưởng mạnh mẽ của hơn 1000 năm Bắc thuộc. Theo đó, Tết Nguyên Đán hay gọi ngắn hơn là Tết, có từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi dần qua từng thời kỳ phát triển.

Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có tự bao giờ, không ai rõ, chỉ biết là có từ rất lâu…

Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Trải qua thêm bao đời từ Đông Chu, đời Tần cho đến đời Hán, vua Hán Vũ Đế mới quyết định đặt lại ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó trở về sau, không còn một thời đại nào muốn thay đổi về tháng Tết nữa. 

Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống Gà, ngày thứ hai có thêm Chó, ngày thứ ba có Lợn, ngày thứ tư sinh Dê, ngày thứ năm sinh Trâu, ngày thứ sáu sinh Ngựa, ngày thứ bảy sinh loài Người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng Một cho đến hết ngày mồng bảy.

Tết Nguyên Đán trong quan niệm của người dân Việt Nam

Trước hết, Tết chính là thời điểm điểm để gia đình sum vầy và quây quần lại bên nhau sau một năm dài xa cách. Nói như thế cũng không có nghĩa ở những ngày tháng bình thường người ta không có dịp ở gần bên nhau. Thế nhưng chỉ khi Tết đến, chúng ta mới có cơ hội trút bỏ hết những lo toan về cuộc sống thường ngày, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” để thư thả tận hưởng giây phút ấm áp bên những người thân yêu của mình.

Tết Nguyên Đán

Theo quan niệm của người Việt, Tết là dịp để cả gia đình sum họp, quây quần

Đó chính là lý do vì sao, câu nói “về quê ăn Tết” mỗi khi cất lên lại khiến con người ta cảm thấy ấm lòng đến thế. Người Việt Nam có một phong tục rất đáng quý, đó là khi Tết đến xuân về, dù làm việc gì, ở bất cứ đâu kể cả cách hàng nghìn cây số, ai ai cũng mong muốn được trở về bên gia đình, khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, gặp lại ông bà, cha mẹ, những người chị, người anh đã đi cùng mình biết bao năm tháng của tuổi trẻ. 

Theo tín ngưỡng dân gian, đây còn là dịp để nhớ đến công ơn của các vị thần linh đã cho mưa, cho nắng, cho bình an đến tất cả mọi người. Chẳng phải thế mà cứ đến ngày Tết, tại các ngôi chùa, ngôi đình hay miếu… đâu đâu cũng tấp nập người khấn vái. Ai cũng mang trong mình tâm thế của “người đi xin”, xin cho gia đình của mình được ấm no, hạnh phúc. 

Ngày Tết cũng là dịp để bản thân mỗi người có cơ hội nhìn lại và “tính sổ” mọi hoạt động của một năm qua để hi vọng năm mới sang sẽ ngập tràn may mắn.

Chuẩn bị gì cho Tết Nguyên Đán?

“Chuẩn bị” là một khâu vô cùng quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với ngày Tết. Theo đó để đảm bảo có một cái Tết thật trọn vẹn, khâu sắm sửa phải thật tỉ mỉ và chi tiết. Đầu tiên là bánh kẹo ngày Tết. Nhắc đến bánh kẹo ngày Tết là phải nhắc đến các loại mứt, ô mai, kẹo lạc, kẹo gừng, hoa quả sấy khô cùng các loại hạt quen thuộc như hướng dương, hạt dưa, hạt bí…

Tiếp đến là cặp bánh chưng xanh. Đi kèm với bánh chưng chính là bánh dày, bánh cốm và mâm ngũ quả với ý nghĩa ngũ hành tương sinh tương khắc. Ngày Tết chắc chắn sẽ không còn trọn vẹn nếu như thiếu đi hình ảnh của chiếc bánh chưng đó. 

Tết Nguyên Đán

Bánh chưng xanh, dưa hành, giò… là những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán

Tôi vẫn nhớ như in cái đêm đầu tiên được cùng bà ngồi canh bên nồi bánh. Bà kể tôi nghe câu chuyện “bánh chưng bánh dày”, về cách làm bánh cũng như giữ lửa thế nào cho đúng nhất. Bà nói “bánh chưng ngon thì hạt gạo phải tròn, đỗ phải xanh, thịt cũng phải béo. Phải giữ cho lửa to và đều, như thế bánh luộc lên mới chín kỹ và thơm mùi được”.

Người xưa vẫn hay truyền nhau câu nói “cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” để biểu thị không khí ngày Tết. Tết hiện đại vẫn có pháo, có bánh nhưng thay vì sử dụng cây nêu như ngày xưa thì giờ đây người ta lại ưa chuộng nhiều hơn những chậu quất, chậu đào, chậu mai cho ngày Tết gia đình mình.

Theo văn hóa Việt, thần tài sẽ mang đến may mắn, phúc lộc đầy nhà cho những ngôi nhà sạch sẽ, tươm tất trong ngày đầu năm. Chính vì vậy chuẩn bị cho ngày Tết cũng chính là chuẩn bị cho một ngày “lễ dọn dẹp” của người dân Việt Nam. Đây không chỉ là một nét văn hóa vô cùng đáng quý mà còn là sự tôn trọng đối với bạn bè, người thân trong gia đình.

Nhiều gia đình còn nhắc nhở con cháu từ phút giao thừa trở đi không được quấy khóc, nghịch ngợm, cãi cọ hay chửi bậy. Cha mẹ trong nhà cũng không được phép trách mắng con cái, đối với hàng xóm cũng tay bắt mặt mừng để giữ cho năm mới yên vui, đầm ấm.

Những phong tục không thể thiếu trong Tết Nguyên Đán

Trước giao thừa

Tết Nguyên Đán được báo hiệu đầu tiên với Tết ông Công ông Táo, một trong những phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam. Theo đó, trước 12 giờ trưa ngày 23 của tháng cuối cùng, các gia đình sẽ chuẩn bị một mâm cơm cùng món lễ vật truyền thống “cá chép vàng” để tiễn các vị thần lên chầu trời, báo cáo một năm hoạt động của gia chủ.

Trước thời điểm bước sang giao thừa, một người trong gia đình (thường là các ông bố) sẽ đi đến các ngôi chùa để xin lộc xin hương. Trong khi đó, những người còn lại ở nhà chuẩn bị lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch. Vào thời khắc giao thừa, khi pháo hoa vừa được tung lên, lễ trừ tịch sẽ được diễn ra để khu trừ tà ma, đem lại may mắn cho năm mới. Lễ vật chuẩn bị thường là gà, thủ lợn, trầu cau, gạo trắng, muối, rượu, hoa quả, vàng mã… hoặc đôi khi còn có thêm chiếc mũ của Đại Vương hành khiển.

Trong thời khắc giao thừa

Khi đồng hồ bắt đầu điểm 12h giờ tròn, nghi thức “xông nhà” đầu năm sẽ được bắt đầu. Thông thường, người ta hay chọn những người “hợp tuổi” hoặc “dễ vía” để xông nhà bởi họ quan niệm chính những người này sẽ đem lại may mắn, sự tốt đẹp cho gia đình của mình. Các ông bố sau khi xin “lộc” tại các chùa, đình cũng sẽ mang về để trên bàn thờ hoặc cắm dưới chậu quất, mai với mong muốn năm mới “phúc lộc đầy nhà”.

Sau khi hoàn thành các nghi thức, gia đình sẽ ngồi quây quần lại bên nhau, vừa ăn uống trò chuyện vừa xem “Táo quân” và tận hưởng không khí năm mới ngập tràn. Mọi người trong gia đình cũng bắt đầu dành cho nhau thêm nhiều lời chúc tốt đẹp.

Sau đêm giao thừa

Những ngày tiếp của đêm giao thừa là thời gian người ta tất bật với các nghi thức cúng lễ. Bắt đầu ngày đầu năm, sau khi sửa soạn cúng gia tiên tại nhà, mọi người bắt đầu kéo nhau đến các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may và xin Thần Phật phù hộ độ trì cho gia đình mình may mắn. Trước khi đi lễ, người ta cũng kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng giờ đúng hướng để gặp may mắn quanh năm.

Tết Nguyên Đán

Lì xì – Phong tục “khai xuân” ý nghĩa từ ngàn xưa của người Việt

Tiếp theo đó, con cháu sẽ lần lượt đến chúc Tết người lớn trong gia đình, dòng họ. Người lớn sẽ chúc lại bằng cách “lì xì” hoặc cho kẹo để lấy may. Ngoài ra, một số vùng miền còn tổ chức lễ hội cầu may tại các chùa, các đình như một hình thức “khai xuân” để chung vui và cầu chúc may mắn đến cho mọi nhà. 

Tết vui đến vậy, ý nghĩa đến vậy. Cho nên người Việt Nam, dù là ai, ở bất cứ đâu mỗi khi Tết đến đều mong ước trở về gia đình, trở về nơi chôn rau cắt rốn để cùng tận hưởng sự ấm áp của gia đình sum họp. Tuy những lễ nghi, phong tục đã có phần đơn giản hơn so với ngày trước, thế nhưng truyền thống đón Tết vẫn luôn in đậm trong tâm tưởng mỗi người để rồi dù có đi xa, người ta vẫn khắc khoải trong tâm trí hình ảnh về một cái Tết cổ truyền của dân tộc.

CÔNG TY CỔ PHẦN BÁNH MỨT KẸO BẢO MINH
Địa chỉ: Lô B2-3-3a, khu công nghiệp Nam Thăng Long, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Hotline: 0906 874 464
Số điện thoại: 0243 719 2355
Email: banhkeobaominh@gmail.com
Website: https://banhbaominh.com/