Bánh chưng – Thứ bánh không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán

Đi tìm nguồn gốc của món bánh chưng thông qua sự tích bánh chưng bánh dầy

Tương truyền rằng, món bánh chưng – bánh dầy là do chàng Lang Liêu, con trai thứ mười của vua Hùng Vương thứ sáu sáng tạo ra. Trong cuộc tuyển chọn người tài kế vị, vua Hùng Vương thứ sáu đã thử tài các hoàng tử của mình bằng cách đặt ra thử thách phải tìm ra cam trân mỹ vị để tiến cúng các vị tiên vương. Vị hoàng tử nào tìm được món ngon, độc, lạ hợp ý với vua cha, người đó sẽ được kế thừa ngôi báu.

ý nghĩa bánh chưng

Theo truyền thuyết, bánh chưng bánh dầy có từ thời Hùng Vương, do Lang Liêu làm ra…

Các hoàng tử tuân lệnh vua cha, họ đi khắp nơi, lên rừng xuống biển tìm cho được sản vật quý hiếm nhất về làm món ăn dâng vua. Tất cả đều khẩn trương, hăng hái, duy chỉ có hoàng tử Lang Liêu từ nhỏ sớm mồ côi mẹ, không có người cạnh bên chỉ bảo, giúp đỡ là lo lắng, buồn bã, không biết phải làm gì để kiếm được của ngon vật lạ dâng lên vua cha.

Cảm thương cho số phận của chàng, một vị thần nhân báo mộng: “Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Lang Liêu nghe xong vô cùng mừng rỡ, chàng lập tức cùng gia đình, bà con làng xóm chọn gạo nếp thật dẻo, đỗ xanh thật mẩy, thịt ba chỉ (ba rọi) thật tươi để chuẩn bị làm thứ bánh mà thần nhân mách bảo.

Rồi ngày dâng vua cha cao trân mỹ vị đã tới, giữa vô vàn sơn hào hải vị của các hoàng tử, mâm bánh chưng – bánh dầy của Lang Liêu khiến Hùng Vương thứ sáu ấn tượng nhất. Ngài cho truyền hỏi lý do làm thứ bánh lạ này, Lang Liêu tâu rõ câu chuyện được thần nhân chỉ bảo. Vua nếm thử cả hai thứ bánh, tấm tắc khen bánh ngon và có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi báu cho hoàng tử thứ 18 của mình là Lang Liêu – tức đời vua Hùng Vương thứ bảy.

Hàm ý sâu xa ẩn chứa trong chiếc bánh chưng xanh đơn sơ, mộc mạc, giản dị

Từ xưa đến nay, bánh chưng bánh dầy luôn đi theo cặp tượng trưng cho âm dương hài hòa, trời đất giao hội. Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng trái Đất, âm. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn của Việt Nam nói riêng.

ý nghĩa bánh chưng

Bánh chưng – bánh dầy hàm chứa trong nó triết lý nhân sinh sâu sắc

Thuở xưa, vào thời Hùng Vương, nhận thức của người dân về trời và đất là vô cùng sơ khai. Họ quan sát bầu trời, thấy trời cao vời vợi, không một góc cạnh, ánh sáng chan hòa nên nặn bánh dày theo có hình tròn, không có nhân để tượng trưng cho trời. Còn đất là nơi để canh tác, có nhiều tầng nhiều lớp, có hình thù vuông vức rõ ràng nên bánh chưng cũng được họ gói thành hình vuông, nhiều lớp từ vỏ đến nhân khác với bánh dầy. Lớp gạo nếp màu xanh ngoài cùng tượng trưng cho cây cỏ, lớp đỗ màu vàng tượng trưng cho đất đai màu mỡ và thịt lợn bên trong tượng trưng cho những sinh vật đang sống trên mặt đất.

Hàm chứa ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, bánh dầy đại diện cho Dương, gắn với hình tượng bầu trời cao ngụ ý chỉ người cha. Bánh chưng đại diện cho Âm, gắn với mặt đất bao la, màu mỡ nuôi sống bao thế hệ người Việt, hàm ý chỉ người mẹ. Trong mâm cỗ ngày Tết, sự xuất hiện của bánh chưng, bánh dầy ngụ ý nhắc nhở con cái phải trân trọng, biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục trời bể của cha mẹ; cũng như nhắc nhở mỗi con người dù đi đâu cũng luôn hướng cái tâm của mình về với quê hương, nguồn cội.

ý nghĩa bánh chưng

Bánh chưng xanh – Thứ bánh quý tượng trưng cho đất Mẹ bao la, màu mỡ

Ngoài đề cao truyền thống uống nước nhớ nguồn, kính ngưỡng tổ tiên, hiếu thảo cha mẹ, bánh chưng bánh dầy còn thể hiện ước muốn ngàn đời của người Việt – đó là sự no đủ. Thuở xưa, khi mà người Việt còn phải sống chung với thiên tai, địch họa, với họ không có niềm mong ước nào lớn hơn cơm no áo ấm. Vì thế, họ ăn bánh chưng, bánh dầy vào dịp Tết là để lấy may, để cầu chúc cho năm mới no đủ, không phải chịu cảnh đói rét, cơ hàn.

Ngày nay, đời sống của người Việt đã khởi sắc hơn trước rất nhiều. Niềm mong ước ăn no mặc ấm thuở nào đã đạt được, tuy nhiên phong tục ăn bánh chưng, bánh dầy vào dịp Tết thì vẫn giữ nguyên, không hề thay đổi. Dường như, bánh chưng – bánh dầy đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt. Vì thế mà không có một thứ bánh nào có thể thay thế được bánh chưng – bánh dầy trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền tại Việt Nam.

Bên cạnh bánh chưng – bánh dầy, người Việt cũng rất ưa chuộng các loại bánh kẹo truyền thống để ăn vào dịp Tết. Những món ăn vặt dân dã như kẹo lạc, ô mai, kẹo dồi, mứt Tết, bánh chả, chè lam… đã trở nên vô cùng quen thuộc và xuất hiện phổ biến trên khay bánh kẹo Tết của mỗi gia đình. Dù trong thời đại hội nhập ngày nay, có rất nhiều các loại bánh kẹo hiện đại, màu sắc sặc sỡ, hương vị thơm ngon nhưng bánh kẹo cổ truyền vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường và trong tâm trí của người tiêu dùng Việt.