Người tôn vinh hương sắc Cốm Hà Thành

     Như rất nhiều người con gái lớn lên giữa lòng phố cổ, cho đến bây giờ, người phụ nữ ấy, chị Ngô Thị Tính hàng năm vẫn hằng ngóng trông mùa thu đến, ngóng trông nắng gió mùa thu gọi những đôi quang gánh đơn sơ của những người đàn bà chân quê áo nâu khăn vấn về lại bên hè phố, cùng những thức đặc sản tuyệt vời của mùa thu xứ Bắc- Cốm Vòng.
     Những mẻ cốm đầu mùa thanh khiết thảo thơm nhất bao giờ cũng sẽ dành để dâng cúng Trời Phật, tổ tiên và chiêu đãi những người thân trong nhà. Cái nếp quen bao đời của người Hà Nội vẫn thế. Một đĩa cốm xào xanh óng rắc những sợi dừa nạo trắng muốt. Dăm bát chè bột sắn trong vắt bên trên lấm tấm những hạt cốm như một bầu trời đầy sao. Chồng bánh cốm gói lá xanh tươi buộc lạt điều. Nải chuối trứng quốc chín vàng rộm. Chục hồng trứng căng mọng, đỏ tươi. Mâm cỗ đầu mùa thu rực rỡ như một bức tranh màu nước sống động.
w r 4993
Sản phẩm bánh Cốm Bảo Minh
     Nhưng với chị Tính, đã từ hàng chục năm nay, chị vẫn hằng ôm ấp cái ước muốn đem hương sắc cốm Hà Thành đến với không chỉ gia đình, họ hàng thân thương mà là đến với tất thảy muôn người bạn phương xa có lòng mến yêu món đặc sản nổi danh đất kinh kỳ kẻ chợ. Và cứ đến mỗi mùa cốm mới, cái ước muốn ấy lại thêm một lần được thành hình rõ nét. Những lúc ấy, chị lại thầm nhớ đến bà ngoại kính yêu, người đã truyền cho chị những bí quyết làm bánh, nấu chè từ thời chị còn con gái: “Bà ngoại tôi nhà ở phố Sinh Từ- Nguyễn Khuyến. Bà rất giỏi các công việc nữ công gia chánh. Thời trẻ bà đã nấu chè làm bánh đem bán rong trên các phố Hà Nội. Bà quấy một mẻ cốm xào để gói bánh cốm mất hàng tiếng đồng hồ. Bà dạy tôi cách làm nhân bánh sao cho ngọt thơm và để qua mấy ngày không bị chua hỏng. Tôi rất nhớ ơn bà ngoại”.
     Nhu cầu thị trường quà bánh thực phẩm chế biến sẵn ngaỳ một tăng cao là dấu hiệu của một nền kinh tế xã hội đang phát triển theo chiều hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đa dạng hóa các mặt hàng chế biến từ những chất liệu dân tộc sao cho vừa đảm bảo được phẩm cấp, hương vị truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu ngày một phong phú mới mẻ của thực khách, đó là mục tiêu lớn để chị Tính tận tâm theo đuổi bất chấp mọi gian nan khó khăn.
     Có một điều đáng nể ở chị Tính, là ngay từ thời kỳ khởi nghiệp làm ăn lớn vào thời điểm những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, chị đã sớm xác định một phương thức làm ăn đúng đắn. Ấy là việc ngay lập tức thay thế hoá chất hàn the bằng chế phẩm phụ gia sinh học, thay thế các chất phẩm mầu công nghiệp độc hại bằng các loại phẩm mầu thực phẩm an toàn. Mặc dù việc thử nghiệm rất tốn kém tiền của và thời gian. Song rốt cùng chị đã đạt tới thành công khá mỹ mãn. Các sản phẩm được chế biến tại Bảo Minh vẫn vừa đảm bảo những phẩm chất truyền thống, về độ dai, độ giòn, hương vị và màu sắc, lại vừa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm do liên ngành y tế, thương mại Hà Nội quy định.
z2012991528715 bb8a9d3d130e9e790acd03597c2b49da
Dây chuyền sản xuất bánh Cốm tại Bảo Minh
     Trong nhà máy của Bảo Minh, những người công nhân khi được khoác lên mình những tấm áo bảo hộ lao động mang màu cốm non bước vào ca sản xuất, là dường như đã thêm một lần họ tự nhắc mình gìn giữ nét đẹp và hương vị tuyệt vời của những món bánh quà dân tộc được chế biến từ hạt cốm Hà Nội. Những hạt cốm như những hạt ngọc quý giá được sinh ra từ đất mẹ màu mỡ, và được chắt chiu từ đôi bàn tay những người nông dân hai sương một nắng. Làm sao có thể coi thường khi chế biến chúng, cũng như khi chế biến bất cứ một thức bánh quà nào khác mang thương hiệu Bảo Minh. Kỹ sư hóa thực phẩm Nguyễn Tiến Thịnh, trưởng phòng kỹ thuật của Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh là người được doanh nhân Ngô Thị Tính đón về từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ khi anh mới tốt nghiệp ra trường. Kỹ sư Nguyễn Tiến Thịnh đã giới thiệu về những đổi thay về công nghệ để bảo vệ phẩm chất của bánh cốm Bảo Minh được dài lâu hơn thường lệ: “Từ những chảo nấu thủ công giản đơn ban đầu, nhà máy đã qua 2 lần thay đổi công nghệ, từ nồi nấu xoay vòng hai lớp đến nồi nấu ép chân không. Mục đích là để chống lại sự lão hóa của tinh bột, kéo dài tuổi thọ của tấm bánh cốm từ 3 ngày theo lối làm truyền thống cho đến được trên 10 ngày như hiện nay. Mỗi nồi nấu ép chân không này có thể cùng lúc xào được gần một tạ cốm”.
     Tiếng lành đồn xa, chị Ngô Thị Tính đã được mời đi báo cáo điển hình và trình diễn cách sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn ở nhiều cuộc hội thảo khoa học dinh dưỡng cũng như ở các câu lạc bộ văn hóa ẩm thực, đồng thời phổ biến kinh nghiệm cho một số cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo dân tộc ở Hà Nội. Xây dựng một ý thức chế biến, sử dụng thực phẩm phù hợp với khoa học dinh dưỡng, đồng thời rèn tập cách thức ăn uống hợp vệ sinh trong gia đình và cộng đồng xã hội, đó không chỉ là mong ước của riêng của riêng mỗi người. Sự tin tưởng , ngóng đợi của các bà nội tướng trong các gia đình, đó khiến chị trở nên vững tin hơn ở con đường mà mình đã chọn, để từng bước trau dồi những phẩm chất cần cù của người mang sứ mệnh nàng dâu trăm họ.
Và ở những diễn đàn như thế này, thêm một lần nữa, chị Tính lại có cơ hội nhân lên niềm say mê của mình với những món đặc sản Hà Nội mà chị Hằng yêu thích.
     Chỉ trong vòng thời gian trên dưới ba năm không hơn, các sản phẩm của doanh nghiệp bánh kẹo Bảo Minh đã liên tiếp giành được hàng chục huy chương vàng, bằng khen và giải thưởng có giá trị qua các kỳ hội chợ thực phẩm và hội thi văn hóa ẩm thực toàn quốc và Hà Nội. Song điều đó cũng đặt ra cho nữ giám đốc doanh nghiệp những yêu cầu và nhiệm vụ nặng nề hơn trước, đòi hỏi chị phải từng bước nâng cao kiến thức nghiệp vụ quản lý kinh doanh để thích ứng với môi trường nền kinh tế Hà Nội vốn không hiếm những biến động bất thường.
509 1576226972 6161 1576233651
Bà Ngô Thị Tính kiểm tra công đoạn làm bánh Cốm tại nhà máy
     Vào đầu mùa cốm mới, gia đình chị Tính không quên sắp sửa một mâm đồ lễ đem dâng cúng trên ngôi chùa cổ Hồng Phúc- Hòe Nhai trên phố Hàng Than, dãy phố mà gia đình chị Tính đã trưng biển bán hàng từ vài chục năm nay. Đất lành chim đậu, ơn nhờ Trời Phật, mỗi năm bà con dân phố cũng như gia đình đình chị mỗi làm ăn khấm khá hơn. Những người làm nghề chế biến đồ ăn thức uống, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người như gia đình chị, nếu không có ý thức coi trọng, và trau dồi nét đẹp trong sáng của hai chữ thiện tâm, coi đó là gốc rễ đạo lý làm người, thì sẽ nguy hại biết mấy cho xã hội. Nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường còn rất nhiều giá trị chưa dễ phân định như hiện nay.
Có một lời Phật dạy mà doanh nhân Ngô Thị Tính vẫn khắc ghi trong tâm khảm: “Dù rằng xây chín phù hồ/ Không bằng làm phúc cứu cho một người”. Bởi thế, mỗi năm, gia đình chị Tính đều không quên dành dụm dăm bảy triệu đồng hoặc có khi một vài chục triệu đồng đóng góp cho các quỹ nhân đạo từ thiện ở địa phương để trợ giúp người nghèo kẻ khó. Còn nhớ, mỗi mùa trung thu, Bảo Minh thường dành một mâm bánh nướng hay bánh dẻo nhân cốm tạo hình đàn lợn béo vàng rộm hay trắng ngần để gửi qua Đoàn thiện nguyện CLB nhà báo nữ Việt Nam đến với trẻ em vùng cao vui trung thu. Nếu ai đó được chứng kiến những ánh mắt ngạc nhiên thích thú đến vô cùng của các em bé vùng cao Lai Châu, Yên Bái lần đầu tiên ôm vào lòng mâm bánh trung thu đặc sắc ấy mới cảm nhận được hết ý nghĩa của món quà Hà Nội đặc biệt đến từ tấm lòng doanh nhân Ngô Thị Tính.
     Phố Hàng Than từ vài mươi năm nay đã dần trở thành một dãy phố chuyên nghề bánh cốm rồi trở thành một dãy phố chuyên buôn bán đồ cưới hỏi và các lọai quà bánh đặc sản. Khách khứa ngày một đông đúc là nguồn tài lộc dồi dào cho mỗi gia đình. Dẫu hàng hóa của Bảo Minh đã giành được quyền bày bán ở sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hay ở hàng chục siêu thị lớn nhỏ ở Hà Nội, cũng như 63 đại lý ở các tỉnh thành xa gần trong nước, chị Tính vẫn giữ một điểm bán hàng trên phố cổ Hàng Than như nếp quen của nhiều gia đình Hà Nội cũ: buôn có bạn, bán có phường, coi khách hàng như người thân, như bầu bạn. Và rồi hữu xạ tự nhiên hương. Bà Trần Thanh Phương, nhà ở phố Cửa Đông, một khách hàng lâu năm của Bảo Minh rất hồ hởi trò chuyện: “Hàng chục năm nay các công việc cưới hỏi của đại gia đình tôi là toàn dùng bánh cốm Bảo Minh. Bánh thơm ngon mà để được lâu không mốc hỏng. Có chia phần các đám ăn hỏi đi Hải Phòng, Sài Gòn qua mấy này cũng vẫn rất yên tâm”.
z2427173734118 1773cdad77a83cbf6ecf68dad181de3b
Hội nữ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hội nữ Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh giao lưu tại Bảo Minh
     Doanh nghiệp Bảo Minh đã là một trong hai doanh nghiệp nữ được thành Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội lựa chọn mang trưng bày giới thiệu sản phẩm tại khu vực phục vụ hội nghị APEC. Đó cũng là một cơ hội tốt đẹp để quảng bá cho những nét đẹp của văn hóa ẩm thực Hà Thành. Kỹ sư hóa thực phẩm Nguyễn Cẩm Tú, phó chủ tịch Hội Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội đánh giá: “Doanh nghiệp Bảo Minh là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc dùng các sản phẩm phụ gia an toàn vào việc sản xuất chế biến các mặt hàng bánh trái theo đúng chủ trương của thành phố. Điều này có sức thuyết phục, sức lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp khác trong ngành chế biến thực phẩm ở Hà Nội mau chóng thay đổi cách làm cho phù hợp với xu thế mới của thời đại”.
     Hai chữ Bảo Minh có thể hiểu nôm na là sự quý giá và sáng láng. Với gia đình chị Tính, bảo vệ uy tín thương hiệu là sự sống còn của doanh nghiệp. Nhất là khi quy mô sản xuất liên tục được mở rộng tới 400-500 công nhân làm việc liên tục suốt đêm ngày ở cả hai nhà máy Hà Nội và Sài Gòn việc quản lý chất lượng sản phẩm đã và đang đặt thêm nhiều thách thức mới. Đặc biệt là việc bảo đảm phẩm cấp các mặt hàng xuất khẩu phục vụ cho bà con Việt kiều và khách nước ngoài.
     Tre già măng mọc. Anh Mai Đình Lục, một người cháu ruột đã theo doanh nhân Ngô Thị Tính từ ngày công ty bắt đầu khởi nghiệp nay đã vững vàng với vai trò giám đốc nhà máy Bảo Minh tại Hà Nội. Người con rể của vợ chồng chị Tính là thạc sĩ Phạm Thế Hiệp thì đảm đương cương vị Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của CTy Bánh mứt kẹo Bảo Minh và kiêm nhiệm giám đốc nhà máy sản xuất tại Sài Gòn. Sản xuất kinh doanh lớn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt muốn đạt thành công lớn không phải là chuyện dễ dàng. Chất lượng sản phẩm bao giờ cũng là điều quan trọng nhất. Một khi đã khẳng định được uy tín trên thương trường thì sự lan tỏa thương hiệu cũng thành ra không mấy khó khăn.
     Tục ngữ Việt Nam có câu: Bánh dầy nếp cái, con gái họ Ngô, ngụ ý ca tụng sự đảm đang, tài khéo của những người phụ nữ trong dòng tộc. Còn chồng chị, anh Vương Duy Kiệm, một chuyên gia ăn uống đã từng tốt nghiệp trường đại học thương mại, người mà chị thường coi là một chỗ dựa chuyên môn đáng tin cậy, anh nghĩ sao về bà nội tướng của gia đình: “Tôi lúc nào cũng ủng hộ nhà tôi, vợ chồng chung mối quan tâm cùng một lĩnh vực ăn uống, ẩm thực nên giúp được gì là tôi gắng hết sức. Tuy nhiên, do còn phải đi làm nhà nước nên phần lớn các công việc sản xuất kinh doanh của gia đình là do nhà tôi đảm nhiệm hết, dù rằng rất vất vả, khó nhọc. Tôi rất tin những sáng kiến sản xuất, kinh doanh của nhà tôi sẽ đạt được thành công. Khi nào nghỉ hưu chắc chắn tôi sẽ giúp nhà tôi được nhiều hơn”.
     Tất tả, bận rộn quanh năm suốt tháng với công việc làm ăn, quả thực, những giờ phút được đoàn viên cùng gia đình cũng không thể đều đặn như mong muốn. Vì thế, với chị Tính, chúng càng trở nên rất đỗi hiếm hoi, quý giá. Hai người con của chị Tính nay đều đã tốt nghiệp cao học tại nước ngoài trở về Việt Nam làm việc và là lập gia đình riêng, sinh sống vui vẻ, hạnh phúc. Đó là những phần thưởng mà vợ chồng doanh nhân Ngô Thị Tính coi là lớn nhất của cuộc đời.
     Hương vị ngọt ngào, thân thương của niềm hạnh phúc gia đình, đó là điều mà xưa nay không gì có thể thay thế nổi. Và đó cũng chính là điều mà bất cứ người phụ nữ ở bất cứ nơi nào trên trái đất cũng ước muốn được tận hưởng, được lưu giữ bên mình dài lâu, mãi mãi.
Vũ Thị Tuyết Nhung
Báo Hà Nội mới