Nguồn gốc của tục lì xì ngày tết
Có lẽ phải từ rất lâu rồi, tục lì xì ngày tết đã trở thành một nét văn hoá của người Việt. Khi nói về nguồn gốc của “chiếc phong bao đỏ” chẳng có một dẫn chứng nào cụ thể, mà chỉ có duy nhất một sự tích mang đầy màu sắc thần thoại cổ xưa.
Sự tích kể rằng, phong tục lì xì Tết Nguyên Đán được bắt nguồn từ một ngôi làng thuộc đất Trung Hoa xưa, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm Giao thừa và có sở thích rất “kỳ dị” đó là xoa đầu trẻ khi chúng đang ngủ ngon giấc, khiến chúng giật mình hoảng sợ và khóc thét suốt đêm. Qua một đêm quấy khóc khó ngủ, hôm sau trẻ sẽ bị đau đầu, sốt cao, toàn thân nóng hầm hập khiến các bậc cha mẹ phải vất vả thức trắng đêm canh phòng cho giấc ngủ của con trong đêm Giao thừa.
Tục lì xì ngày tết được bắt nguồn từ một sự tích cổ của Trung Quốc
Trong làng có một cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng sống rất lương thiện, được trời xanh nhìn thấu tâm can, thương cho cảnh già cô đơn nên đã ban cho hai vợ chồng một cậu con trai kháu khỉnh dù tuổi đã ngoài 50. Trước đêm Giao thừa năm ấy, có 8 vị tiên vì yêu cảnh xuân nơi hạ giới, đã quyết định sẽ giáng trần ngao du thiên hạ.
Khi đi qua nhà đôi vợ chồng già, các vị tiên biết rằng đêm Giao thừa hôm nay yêu quái sẽ xuất hiện và làm tội đứa bé. Quyết không cho yêu quái lộng hành, 8 vị tiên hoá thân thành 8 đồng tiền túc trực bên cạnh cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt xuống gối của cậu bé và đi ngủ. Nửa đêm, yêu quái xuất hiện, vừa định giơ tay xoa đầu cậu bé thì từ chiếc gối nhỏ có 8 tia sáng vàng chói loá rọi thẳng vào mắt yêu quái khiến nó thất kinh, bỏ chạy một mạch không dám quay đầu lại.
Theo quan niệm, trẻ em được nhận lì xì tết sẽ luôn khoẻ mạnh, ngoan ngoãn
Hai vợ chồng thấy vậy đem chuyện mừng này kể lại cho dân làng. Người dân phấn khởi vì đã tìm ra cách khắc chế yêu ma, nên từ đó cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào phong bì đỏ cho trẻ em hay còn gọi là tiền lì xì. Về sau dần trở thành tục lệ và phổ biến ở nhiều nước.
Tục lì xì – ý nghĩa và nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Việt
Lì xì đầu năm là phong tục văn hoá tốt đẹp của người Việt và nhiều nước khác trong khu vực, với mong muốn chiếc phong bao đỏ này sẽ đem lại sức khoẻ, may mắn, bình an cho người được nhận lì xì. Không chỉ trong ba ngày tết, tục lì xì có thể kéo dài đến những ngày cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10 âm.
Ngoài những ý nghĩa trên, phong bao lì xì còn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự kín đáo, tránh chuyện xích mích không vui trong ngày Tết, bởi theo quan niệm của người Việt, ngày đầu năm mới mà có đổ vỡ hoặc cãi vã sẽ bị “mất giông”, cả năm sẽ gặp những chuyện kém may mắn, nên cãi vã bị coi là một chuyện đại kỵ
Tặng lì xì Tết cho ông bà, cha mẹ – nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của người Việt
Lý giải về màu của phong bao lì xì thường là màu đỏ, bởi với người Châu Á, màu đỏ mang ý nghĩa của sự cát tường, tài lộc. Người nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì người ta càng tin rằng mình đã phát đi nhiều tài lộc, san sẻ thịnh vượng với những người thân yêu.
Theo tục lệ từ xưa, người Việt Nam cứ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, con cháu trong nhà sẽ lần lượt nói lời chúc Tết, chúc Thọ đến ông bà và biếu một số tiền cho ông bà, cha mẹ. Sau đó ông bà, cha mẹ sẽ lì xì lại một phong bao lì xì màu đỏ, bên trong đựng tiền gọi là láy hên đầu năm mới và thường người được nhận sẽ không tiêu ngay số tiền đó trong dịp Tết để giữ lại may mắn trong phong bao lì xì.
Ông bà, cha mẹ sẽ lì xì lại con cháu một phong bao lì xì màu đỏ, bên trong đựng tiền gọi là lấy hên đầu năm
Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu hoặc cha mẹ của gia chủ, kèm theo lời chúc tốt đẹp đầu năm. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở số tiền là bao nhiêu, mà chính là ở lời mong ước, cầu chúc con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, gia chủ làm ăn phát tài, thịnh vượng, ông bà có nhiều sức khoẻ, sống lâu vui vầy cùng con cháu.