Tổng giám đốc Bảo Minh – tôi chưa bao giờ cho phép “lửa” tắt dù chỉ 1 giây

Đam mê bắt nguồn từ truyền thống

Chị Tính chia sẻ, cái duyên với nghề làm bánh bắt nguồn từ đời ông bà ngoại của chị từ thập niên 1950 của thế kỷ 20: “May mắn của tôi là niềm đam mê được bắt nguồn từ truyền thống gia đình, khi đam mê được thổi lửa từ niềm đam mê khác truyền lại, tình yêu với sản phẩm đó sẽ được nhân lên rất nhiều lần”.

Nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt được Việt Nam đang vào thời kỳ mở cửa nền kinh tế thị trường, kinh doanh được tự do phát triển (khoảng những năm 1986), chị Tính với đôi bàn tay khéo léo cùng tình yêu vô tận với bánh kẹo truyền thống mà ông bà để lại đã cho ra đời những mẻ bánh xu xê đầu tiên mang thương hiệu của mình.

p27toi chua bao gio cho phep lua tat du chi mot lan3
Tổng giám đốc Ngô Thị Tính (áo dài xanh ngồi giữa) trong buổi Lễ Tổng kết trung thu năm 2018

Nhắc tới chuyện xưa, ánh mắt của chị Tính vẫn ánh lên niềm tự hào về những năm tháng “khởi nghiệp”. Kể ra thì không tự hào sao được khi những chiếc bánh “của một đồng, công một nén” làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, hàng chạy cứ veo veo, tuyệt hơn nữa là khách một khi đã ăn bánh của chị sẽ đâm “ghiền”, chị hết bánh thì đợi hôm sau mua chứ nhất định không chịu ăn ở hàng khác.

Càng làm chị càng nhận ra một điều “khi yêu một thứ gì đó quá nhiều, người ta sẽ bớt suy tính về kinh tế mà hướng tới những giá trị cao đẹp hơn”. Đó là lý do vì sao chị quyết tâm phải lưu giữ và phát huy nghề “đem vị ngọt cho đời” của thế hệ trước, bằng cách cải tiến bao bì, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để cốt làm sao khách hàng “chỉ cần nhìn là muốn ăn, mà đã ăn rồi là sẽ thích”.   

p27toi chua bao gio cho phep lua tat du chi mot lan2Tình yêu với bánh truyền thống bắt nguồn đam mê từ nghề làm bánh xu xê – phu thê của gia đình… 

Mồ hôi và trái ngọt

“Có con đường nào được trải lụa sẵn? Chỉ có dải lụa làm phần thưởng cho những ai không chịu lùi bước, dám băng qua chông chênh sỏi đá mà thôi”. Con đường của chị Tính cũng vậy, cũng không thiếu những ngày thâu đêm bên bàn làm bánh, cái thời thủ công đến độ máy dán miệng vỏ đựng bánh còn chưa có, mỗi người lấy một cây hương đỏ đầu, khói ngạt cả căn phòng, vừa châm vừa dán. Khói cay xè, nước mắt cứ dàn giụa mà vẫn phải căng hết cỡ để nhìn cho rõ kẻo… châm vào tay.

Vào dịp cao điểm như Trung thu hay Tết nguyên đán, khách đặt bánh lên tới cả ngàn chiếc, chị và nhân viên lại cuống cuồng chạy hết công suất vẫn lo làm không kịp để gửi cho khách. Lắm khi làm cố đến mức ngủ gục trên bàn khi nào không hay biết, bỏ mặc đèn vàng rọi nóng cả một bên tai.   

Câu chuyện của những ngày tháng “mồ hôi chan cơm” ấy có lẽ con phố Châu Long là thấu hiểu chị nhất. Quên làm sao được những ngày chị Tính và cô cháu gái treo tòng teng hai bên ghi đông hai túi bánh to bự, nặng như chơi kéo co, “bao nhiêu sức trẻ tôi dùng để đánh vật với cái ghi đông đó hết rồi” – chị Tính dí dỏm kể lại. Ngày đó, cứ sáng ra là hai cô cháu leo lên “ngựa sắt” đi từ Châu Long sang giao bánh ở căng tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Điện thoại không có, hết giờ làm lại tất tả chạy qua điểm bán, thăm hỏi xem bánh hôm nay bán chạy không, khách khen chê gì để còn biết mà điều chỉnh.   

p27toi chua bao gio cho phep lua tat du chi mot lanĐịa chỉ bán và trưng bày sản phẩm của Bảo Minh tại số 12 Hàng Than hay còn được gọi với cái tên: phố bánh cốm

“Khoảng thời gian đó tuy vất vả nhưng đổi lại là khách hàng yêu mến, hàng bán đắt như tôm tươi, nghĩ tới đó thôi là tôi đã đủ mãn nguyện rồi, còn thời gian đâu nghĩ đến mệt nhọc nữa”. Thế mới biết, tài sản quý giá nhất với một con người nào đâu phải sa hoa vật chất, mà là được nhìn thấy thành quả của mình đơm hoa kết trái, được nở nụ cười viên mãn, đó mới là thực sự là thứ tài sản vô giá.

Năm 2003, niềm mong ước của chị là được thấy chiếc bánh cốm xanh màu lá lúa – đặc sản của “Hà Nội mùa thu” đến được tới tay người dân tại thành phố mang tên Bác. Nhưng mong ước là một chuyện, biến nó thành hiện thực lại là chuyện khác, bởi khi đó hạn sử dụng của bánh cốm chỉ có tối đa là 5 ngày, sau đó bánh sẽ bị mốc và cứng, thêm phần giao thông khó khăn cũng là một rào cản để bánh cốm Hà Nội có thể đến với Sài Gòn hoa lệ.

Những tưởng ước mơ ấy sẽ mãi còn dang dở, nhưng với quyết tâm sắt đá: “Bánh cốm Bảo Minh phải có hạn sử dụng lâu nhất, bánh cốm Bảo Minh phải có mặt ở cả 3 miền Tổ quốc”, cùng sự giúp đỡ tận tình từ phía Hội Khoa học Việt Nam, bánh cốm của chị Tính đã tăng “tuổi thọ” từ 5 lên 8 ngày, rồi 10 ngày. Cuối cùng, ước mơ tưởng chừng phi thực tế ấy đã trở thành hiện thực và điều tuyệt vời hơn là tính cho đến nay (năm 2018), đã 15 năm trôi qua nhưng chưa có một đơn vị sản xuất bánh kẹo nào làm được điều thần kỳ đó – một kỳ tích xứng đáng để tự hào.

p27toi chua bao gio cho phep lua tat du chi mot lan5Bánh cốm – sản phẩm bánh truyền thống đã góp phần tạo nên tên tuổi của Bảo Minh

Đừng bao giờ để “lửa” tắt

Tự hào là người góp phần gìn giữ tinh hoa ẩm thực Việt, mọi sản phẩm của Bảo Minh đều được chị chế biến từ những nguyên liệu rất truyền thống, rất Việt Nam như: cốm, bột nếp, dừa, lạc, vừng, đậu xanh, khoai môn… nhưng cũng không quên đổi mới về chất lượng, bao bì, mẫu mã, áp dụng khoa học công nghệ cho ra đời nhiều sản phẩm mới được giới trẻ ưa thích như: bánh Pía, bánh cốm phủ dừa, bánh bông nhài… Dưới đôi bàn tay lèo lái của Tổng giám đốc Ngô Thị Tính, bánh kẹo Bảo Minh ngày hôm nay đã có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhận được sự tin yêu, chào đón nồng nhiệt của khách hàng.

Thiết nghĩ, nếu chị Tính cho phép mình nản lòng trong những tháng ngày thức khuya dậy sớm, kiệt sức dưới ánh đèn bàn làm bánh. Hay những ngày bánh cốm chưa được người dân Sài Gòn chào đón vì “không quen”, chị bỏ mặc cho quyết tâm bị ăn mòn, đam mê dần nguội lạnh, thì liệu rằng sẽ còn có Bảo Minh lớn mạnh của ngày hôm nay hay không?

p27toi chua bao gio cho phep lua tat du chi mot lan1Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh lớn mạnh của ngày hôm nay

Những tháng năm tuổi trẻ đã qua đi, sức khoẻ không còn được như trước, bởi ai rồi cũng sẽ khác, chẳng thể chống lại sự nghiệt ngã của thời gian. Nhưng, trong đôi mắt của người phụ nữ bé nhỏ ấy, nhiệt huyết thanh xuân vẫn còn vẹn nguyên trong từng hơi thở, từng nhịp đập của niềm đam mê bỏng cháy.

Dẫu biết thương trường như biển lớn chẳng mấy khi hiền hoà. Bên kia còn nhiều giông bão, bên này còn lắm bão giông, nhưng như chị Tính đã nói: “Chặng đường đi đến thành công của tôi không có nhiều dấu chân may mắn, thứ vũ khí duy nhất của tôi đó là ngọn lửa ý chí, và nhiệm vụ của tôi là không bao giờ được phép để lửa tắt, dù chỉ trong 1 giây”, câu nói ấy như một lời tuyên thệ rằng: chừng nào ngọn lửa ấy còn rực cháy, sẽ còn những thành công mới tiếp tục được chinh phục.

Chúc cho chị Tính và con tàu Bảo Minh luôn vững vàng trước bão giông, căng buồm theo gió, băng qua đại dương mênh mông sóng nước, để chạm tay tới những kho báu vinh quang mới, chắp cánh cho hương vị của bánh kẹo cổ truyền sẽ tiếp tục sứ mệnh “mang yêu thương qua vị ngọt truyền thống” đến với mọi mái ấm gia đình Việt, mãi là niềm tự hào của dân tộc với bè bạn trên khắp năm châu.

Cảm ơn chị – người gìn giữ hương vị truyền thống ngọt ngào của ẩm thực Việt!