Bánh khúc – Hương vị tuổi thơ trên những gánh hàng rong

Nếu từng đến du lịch miền Bắc, chắc hẳn bạn đã nghe qua về món bánh khúc. Đặc biệt vào mùa đông, khi tiết trời trở nên lạnh giá, lúc này bánh khúc trở thành món ăn được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, mang lại cảm giác ấm nóng. Để hiểu rõ hơn về loại bánh này, các bạn hãy cùng Bảo Minh tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé.

 

Quay lại tuổi thơ với bánh khúc

Nguồn gốc của bánh khúc là từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, sở dĩ có cái tên như vậy là vì bởi món bánh này được làm từ lá rau khúc, gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn mỡ.

Do đó, loại bánh khúc này sẽ thường chỉ được thấy bán vào những mùa rau khúc mọc nhiều, vào độ tháng 2, tháng 3 âm lịch hằng năm.

 

banh-khuc
Bánh khúc – Đặc sản Hà Thành

 

Hầu như ở làng quê Bắc bộ nào cũng có bánh khúc, cứ đến vụ đông ra đồng hái rau khúc ở những ruộng màu mang về để làm bánh. Nhưng do sự sành ăn của những người dân sống ở đất kinh kỳ mà người đầu bếp cũng phải càng làm ra những chiếc bánh khúc hoàn hảo hơn. Cũng chính vì thế mà bánh khúc được biết đến nhiều hơn cả với tư cách là đặc sản của Hà Nội.

Những người sinh ra và lớn lên ở thủ đô chắc hẳn đã quen thuộc với hình ảnh những người đội thúng bánh trên đầu hay chạy xe đạp rao bán bánh khúc vào những buổi tối, tạo nên một nét giản dị đặc trưng của đất Hà Thành.

Nổi tiếng là món ăn đường phố tại mảnh đất Thủ đô, trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm, bánh khúc vẫn luôn giữ trọn được hương vị của nhiều năm về trước. Chính bởi điều đó đã giúp món bánh khúc níu chân được nhiều thực khách quay trở lại để thưởng thức hương vị quen thuộc này.

Ngày xưa, trong mỗi con hẻm nhỏ của Thủ đô, không khó để bắt gặp được hình ảnh người bán hàng rong ngồi trên chiếc xe đạp cũ, chở đằng sau là thúng bánh khúc với tiếng rao thân thuộc “Xôi lạc, bánh khúc đây”. Âm thanh ấy đã in sâu vào trong ký ức tuổi thơ của biết bao người con đất Hà Thành.

 

banh-khuc
Giá thành của bánh khúc không quá đắt đỏ và được bày bán phổ biến ở nhiều nơi tại Hà Nội

 

Giá thành của bánh khúc không quá đắt đỏ và được bày bán phổ biến ở nhiều nơi tại Hà Nội, thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán. Người dân cũng xem bánh khúc là một món không thể thiếu trong mỗi buổi sáng hoặc làm quà chiều, đồ ăn đêm ưa thích. 

Không có quá nhiều sự khác biệt so với hương vị ngày xưa, bánh khúc ngày nay vẫn được nấu từ những nguyên liệu cơ bản như gạo nếp, đỗ xanh, thịt ba chỉ và đặc biệt không thể thiếu lá khúc. Đi cùng với đó, bánh khúc vẫn sẽ được gói trong từng miếng lá chuối xanh mướt, tạo nên mùi hương rất đặc biệt.

Xem thêm: Bánh cốm Bảo Minh – Bánh cốm Hàng Than

 

Bánh khúc là gì?

Điều làm nên sự đặc biệt của bánh khúc chính là nằm ở phần xôi nếp thơm dẻo đậm mùi lá khúc, kết hợp cùng với phần nhân bánh ở giữa là đậu xanh, thịt mỡ béo ngậy và hạt tiêu cay nồng ấm bên trong.

Mỗi khi bán cho khách, những người bán sẽ đặt chiếc bánh khúc lên trên cái lá chuối xanh, rắc thêm chút muối vừng bên cạnh để chấm cho trọn vị. Những hạt xôi trắng mềm dẻo bám xung quanh vỏ bánh màu xanh nhạt dậy mùi lá khúc cùng phần nhân bên trong vàng thơm mùi đỗ xanh và thịt mỡ.

 

banh-khuc
Những hạt xôi trắng mềm dẻo bám xung quanh vỏ bánh màu xanh nhạt dậy mùi lá khúc

 

Tất cả những yếu tố này hoà quyện giúp món bánh trở nên ấm áp, phù hợp để ăn trong những ngày đông khi tiết trời đã trở nên se lạnh.

Đối với một vài nơi, khi ăn bánh khúc, họ có thể cho thêm chút hành mỡ để món ăn được béo béo, dậy mùi hơn.

Hiện nay, nhờ có sự xuất hiện của bột lá khúc khô khá phổ biến trên thị trường nên bánh khúc đã có thể được chế biến và bày bán vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Song, bánh khúc muốn ngon đúng chuẩn vị nhất vẫn phải dùng loại lá tươi, vào đúng dịp tháng 2, tháng 3 âm lịch.

Xem thêm: Bánh Pía Bảnh Minh – Đặc sản Hà Nội

 

Cách làm bánh khúc

Một điều đặc biệt là, không quá khó cũng như không mất quá nhiều thời gian để có thể chế biến bánh khúc tại nhà. Hơn thế nữa, thành phần nguyên liệu của bánh cũng đơn giản và dễ tìm mua.

Chỉ với gạo nếp, bột gạo tẻ, thịt ba chỉ, đậu xanh, lá khúc và những gia vị cơ bản như nước mắm, muối, đường, dầu ăn, hành khô, tiêu là bạn đã có thể làm ra những chiếc bánh khúc thơm ngon, hấp dẫn ngay tại nhà rồi.

Nguyên liệu và dụng cụ

  • Gạo nếp: 1kg
  • Bột gạo nếp: 200gr
  • Bột gạo tẻ: 100gr 
  • Thịt ba chỉ heo: 100gr 
  • Đậu xanh vàng: 200gr 
  • Lá khúc: 300gr 
  • Hành tím
  • Gia vị: Hạt nêm ,nước mắm, muối
  • Dụng cụ nấu: Nồi hấp, chảo chống dính, nồi inox, dao, máy xay đa năng, máy xay sinh tố, tô, muỗng, rây lọc

Các bước thực hiện

Sơ chế nguyên liệu

Hành tím bỏ vỏ, rửa sạch rồi băm nhuyễn.

Thịt ba chỉ rửa sạch, để ráo nước thì đem cắt thành những miếng nhỏ. Sau đó cho vào máy xay rồi xay nhuyễn. Tiếp theo, đem ướp thịt với 2 thìa cà phê nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm và 1/2 thìa cà phê muối.

Gạo nếp và đỗ xanh mang đi ngâm với nước trong khoảng 3 – 4 giờ, vo thật sạch, vớt ra rồi để ráo.

Lá khúc rửa sạch rồi cắt khúc nhỏ. Tiếp đó cho vào máy xay sinh tố rồi xay nhuyễn. Dùng rây lọc và lọc lấy nước của lá khúc.

Thực hiện món bánh khúc

Đậu xanh đã chuẩn bị đem cho vào nồi hấp, hấp chín rồi đem cho vào máy xay nhuyễn mịn. Tiếp đến, bạn cho phần đậu xanh vừa xay vào chảo sên cùng với dầu ăn, thêm chút nước lọc vào cho đậu bết lại và tăng độ kết dính. Cuối cùng gia giảm gia vị sao cho vừa miệng.

Hành cho vào chảo, phi thơm vàng rồi đổ thịt cùng với 1/2 bát nước lọc vào đun cho mềm, đợi cho cạn nước thì nêm nếm gia vị sao cho vừa ăn.

Cho bột nếp, 1/2 bát nước lọc nhỏ vào bát, trộn đều cho phần bột hòa quyện lại. Tiếp theo, bạn đổ bột khô và phần nước lá khúc vừa xay vào bát bột nếp, trộn và nhào đều tay để tạo thành một khối bột mịn, dẻo không dính tay.

Tạo hình bánh khúc

Lấy một lượng đậu xanh vừa đủ bọc kín lấy viên thịt bên trong. Tiếp tục, bạn dùng phần bột lá khúc bọc viên đậu xanh vừa nặn lại.

 

banh-khuc
Tạo hình bánh khúc

 

Sau đó lăn những viên bánh vừa nặn qua gạo nếp để gạo bọc kín lấy viên bột.

Hấp bánh

Trải một lớp gạo nếp với độ dày khoảng 1cm vào tầng trên của nồi hấp (bạn có thể dùng lá chuối lót phía dưới hoặc quét một lớp mỏng dầu ăn quanh đáy, thành nồi để chống dính). Tiếp đó xếp các viên bánh khúc vào nồi hấp, mỗi viên cách đều nhau khoảng chừng 1cm.

 

banh-khuc
Trải một lớp gạo nếp với độ dày khoảng 1cm vào tầng trên của nồi hấp

 

Tiếp đó rắc một lớp gạo nếp lên các viên bánh khúc.

Cuối cùng, thêm nước vào tầng dưới nồi hấp, đun sôi và hấp bánh trong khoảng 30 phút.

Thành phẩm

Tuy trong khâu sơ chế nguyên liệu có vẻ cầu kỳ và hơi nhiều bước nhưng lại không quá khó để thực hiện.

Món bánh khúc nóng hổi, thơm mùi nếp, có vị đậm đà, béo béo của phần nhân bên trong khiến ai ăn vào cũng trầm trồ khen ngợi.

Xem thêm: Bánh đúc nóng – Món ăn cho ngày thu se lạnh

 

Bảo Minh – Lưu giữ tinh hoa ẩm thực truyền thống

Thương hiệu Bảo Minh là một trong những thương hiệu bánh kẹo truyền thống nổi tiếng tại Việt Nam. Với lịch sử hình thành và phát triển từ năm 2006 đến nay. Bảo Minh đã trở thành một trong những thương hiệu đáng tin cậy trong ngành công nghiệp thực phẩm Việt.

Bảo Minh chuyên sản xuất và kinh doanh các loại bánh kẹo truyền thống Việt Nam, bao gồm bánh phu thê, bánh chả, bánh cốm, bánh khảo, bánh pía, chè lam, kẹo dồi… và nhiều loại bánh kẹo đặc sản khác. Với sự đa dạng và độc đáo trong danh mục sản phẩm, Bảo Minh đã thu hút sự ưa chuộng của người tiêu dùng trong nước cũng như nước ngoài.

Ngoài ra, Bảo Minh cũng không ngừng nâng cao chất lượng và đa dạng hóa những sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của phần lớn khách hàng. Không chỉ sản xuất bánh mứt kẹo truyền thống, Bảo Minh còn mở rộng sang các loại bánh kẹo sáng tạo và đa dạng hơn như bánh bông nhài, bánh Gochiz, bánh Misa, bánh Sala…